Saturday, 10 May 2014 06:15:55 GMT+7 | 3758 views Thi sĩ đồ phế liệu “Tôi muốn tái tạo cuộc sống cho những món đồ phế liệu, cho dù phải tốn rất nhiều công sức nhưng với tôi mỗi hiện vật là một chuyến du hành không xác định mà chỉ nhờ vào trực giác, ước mơ, niềm đam mê và cảm xúc”
Ngôi nhà nhỏ bé nép mình bên vệ đường thoạt nhìn không có gì khác biệt so với kiến trúc đặc thù của vùng Lizio – Brittany, miền Tây nước Pháp, ngoại trừ một mô hình máy bay cổ in bóng ngạo nghễ trên bức tường màu hồng phấn, phía đối diện, một bảng chỉ đường khiêm tốn nép mình dưới rặng cây: “Musée du Poète Ferrailleur, (tạm dịch) Bảo tàng của thi sĩ đồ phế liệu”, lách mình qua cánh cổng khép hờ, vậy là tôi đã bước vào thế giới của những ước mơ.
Ngay lối vào, một xưởng rèn nho nhỏ với các vật dụng tiêu biểu như kìm, đe, búa, đục được bày biện rải rác, chính giữa là mô hình người thợ rèn đang quai búa được lắp ghép từ các mãnh kim loại phế liệu trông thật sống động , khi tôi tò mò bấm chiếc công tắc nhỏ ngay tầm tay, những âm thanh kẽo kẹt chợt vang lên và bàn tay người thợ rèn từ từ chuyển động nhịp búa lên xuống, nhịp nhàng và cần mẫn như chính chủ nhân của nó; Robert Coudray.
Sinh năm 1954, từng là nhà sản xuất phim, lăn lộn với nhiều ngành nghề từ điêu khắc đá, thầy giáo kỹ thuật cho đến chăn nuôi, trồng trọt… Rồi một ngày, Robert Coudray quyết định từ bỏ tất cả để theo đuổi giấc mơ thuở thiếu thời; tái tạo cuộc sống cho những đồ vật phế thải, sau 20 năm, một bảo tàng nhỏ hình thành với trên 80 mô hình, được làm từ vỏ xe cũ, thùng sắt, ống nhôm… từng mãnh vụn dần dần liên kết và bắt đầu chuyển động, nguyên tắc vận hành chủ yếu với nhông chuyền, ròng rọc, và hệ thống đòn bẩy, đơn giản nhưng tinh tế và chính xác đến từng li, tất cả được gửi gắm vào một nút bấm và cứ thế, những chuyến du hành ngược thời gian bắt đầu; trong khi hiệp sĩ Don Quichotte không ngừng tấn công chiếc cối xay gió cứng đầu thì những âm thanh dìu dặt ngân lên từ cô pianist người máy và nơi cuối phòng, một chú hề đi dây đang dò dẫm từng bước chân.
Ước mơ bay bổng không chỉ thể hiện bằng nhiều mô hình máy bay mà còn khắc họa rõ nét qua các bộ phim màu và đen trắng do chính tác giả thực hiện “Người sửa mặt trăng”, “Bí mật của Mermoz”, “Hành trình”, kinh nghiệm phim trường được Robert thể hiện qua nguồn sáng lắp đặt ở mỗi hiện vật, vẽ nên những bóng đổ sống động xung quanh chủ đề chính, với tôi, mỗi tác phẩm của ông luôn là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật và nghệ thuật.
Có thể nói nếu mỗi hiện vật là một bài thơ thì đến hôm nay, Robert Coudray đã viết nên một thiên trường ca trên diện tích 10.000m2, chỉ đơn giản với tâm niệm: “Tôi muốn tái tạo cuộc sống cho những món đồ phế liệu, cho dù phải tốn rất nhiều công sức nhưng với tôi mỗi hiện vật là một chuyến du hành không xác định mà chỉ nhờ vào trực giác, ước mơ, niềm đam mê và cảm xúc”.
* Để tưởng nhớ nhiếp ảnh gia André Bellamy, người đã đưa tôi đến đây.
|